trang chủ tin tức xe Bí quyết kiểm tra xe ô tô cũ đã sơn lại hay chưa

Bí quyết kiểm tra xe ô tô cũ đã sơn lại hay chưa

Khi mua xe ô tô, đặc biệt là xe cũ nhiều người sẽ quan tâm đến ngoại hình, nước sơn của xe. Việc một chiếc xe bị sơn lại có thể ảnh hưởng đến giá trị.

Anh Bùi Viết Thanh Quang, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán xe ô tô chia sẻ, nước sơn "zin" ô tô là nước sơn gốc, nguyên bản của chiếc xe mà chưa từng trải qua bất kỳ quá trình sửa chữa nào. Mỗi chiếc xe đều được gắn kết với một mã code màu duy nhất từ thời điểm sản xuất.

Sau một thời gian dài sử dụng, màu sơn trên xe bị ngả màu chủ xe cũng có thể sơn lại, đổi màu mới cho xe. Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp không may gặp tai nạn, đâm đụng nên chủ xe phải sơn, sửa lại và bán xe. Tuy nhiên nhiều cửa hàng xe cũ thiếu chân thật có thể vẫn cam kết sơn “nguyên zin” chưa qua “spa” nhằm lừa dối khách hàng. Do đó những kiến thức cơ bản cần có để kiểm tra một chiếc xe đã bị sơn lại hay chưa sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho cả hai.
Dưới đây là cách nhận biết xe đã qua sơn lại theo kinh nghiệm của những chuyên gia trong lĩnh vực buôn bán xe cũ

Quan sát và cảm nhận bằng mắt thường

Nếu phát hiệu dấu vết sơn sửa nhiều thì rất có thể xe đã từng va chạm. Trong trường hợp xe ô tô đời cũ nhưng sơn xe lại quá mới, không thấy bất kỳ dấu vết sơn dặm vá nào thì nên suy nghĩ vì rất có thể xe đã được sơn lại toàn bộ bởi các kỹ thuật viên đồng sơn chuyên nghiệp.

Theo kinh nghiệm kiểm tra xe cũ của các chuyên gia, nếu xe ô tô được sơn dặm lại, để mắt nhìn ở góc 45 độ so với bề mặt và đánh giá lớp sơn. Với lớp sơn mới dù được sơn với công nghệ tiên tiến, tinh ý quan sát người mua vẫn sẽ nhìn thấy các bụi sơn li ti, các vết sơn chảy bám trên bề mặt. Những dấu vết này không thể tìm thấy ở sơn nguyên bản của xe.

Dùng đèn pin để kiểm tra

Dùng đèn pin soi kỹ từng chi tiết kiểm tra tình trạng sơn xe ô tô. Dưới ánh sáng của đèn pin, người kiểm tra có thể thấy rõ tình trạng trầy xước, vết loang lổ hiện trên bề mặt sơn. Nếu sơn xe ô tô còn Zin thì màu sơn và độ bóng sẽ đồng đều, không có sự chênh lệch giữa vùng này với vùng khác.

Kiểm tra nắp capo

Nắp capo là bộ phận bảo vệ hệ thống động cơ, nếu xe bị va chạm nặng thì nắp capo sẽ bị ảnh hưởng. Người mua cần kiểm tra độ nặng, độ đàn hồi, đường chì, góc cạnh, chốt khóa của nắp capo xem có bị méo mó, gò hàn, thay mới hay không. Nếu thấy nắp capo quá nhẹ, không đóng mở được, không khớp với các chi tiết xung quanh, có dấu vết sơn sửa… thì có thể xe đã bị sơn lại.

Kiểm tra khe hở giữa mui xe và chắn bùn

Một chiếc xe được coi là còn nguyên bản khi các khe hở giữa chắn bùn và mui xe được duy trì đồng đều. Những biến dạng ở vùng này là dấu hiệu rõ ràng của hỏng hóc trên xe. Để kiểm tra, người mua có thể mở cửa xe và lắc nhẹ, lắng nghe âm thanh phản xạ. Nếu nghe thấy âm thanh không bình thường, đó có thể là dấu hiệu của việc lắp đặt cửa không đúng cách.

Sử dụng máy đo độ dày

Thiết bị này được sử dụng để đánh giá tình trạng sơn trên bề mặt ô tô. Các chỉ số sẽ hiển thị các giá trị trên toàn bộ chi tiết của xe. Nếu xuất hiện sai lệch đáng kể thì điều này cho biết có một lớp bột được trét dày trên lớp sơn.

Kiểm tra nắp bình xăng

Kiểm tra nắp bình xăng là việc ít người để ý đến khi muốn kiểm tra xe ô tô cũ đã sơn lại hay chưa. Thông thường, nắp bình xăng được tháo ra để thợ sơn có thể chọn màu sơn phù hợp. Do đó, nếu nắp bình xăng được kết nối với các bulong không rõ nguồn gốc hoặc nếu ốc vít của nó bị hỏng, có khả năng rằng bộ phận này đã bị tháo ra sau tai nạn để sơn lại xe.

Kiểm tra khoang máy

Khoang máy là nơi chứa động cơ và các bộ phận quan trọng khác của xe, nếu xe bị sơn lại thì khoang máy cũng sẽ bị thay đổi. Người mua cần kiểm tra các chi tiết trong khoang máy xem có bị mở ra, thay mới hay không. Ngoài ra, người mua cũng cần quan sát các dấu sơn, tem, con dấu của nhà sản xuất xem có bị làm giả hay không. Tiếp để kiểm tra các góc bên trong khoang máy xem có bị bóp méo hay không.

Chạy xe ra ánh nắng mặt trời

Những khiếm khuyết đặc biệt trên chiếc xe thường trở nên rõ ràng khi ánh mặt trời chiếu sáng. Một chiếc xe chưa từng trải qua quá trình sơn lại thường có một lớp sơn đồng đều trên toàn bộ bề mặt. Nếu người dùng nhận thấy sự thay đổi về bóng râm, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chiếc xe đã trải qua tai nạn và sau đó đã được sơn lại.

Ngoài ra, anh Quang chia sẻ thêm về cách nhận biết xe ô tô cũ đã bị sơn lại. Trong quá trình sử dụng xe, chủ xe sẽ khó tránh khỏi những vấn đề va chạm, đâm đụng. Để quyết định mua xe cũ, ngoài nước sơn xe thì người mua cần quan tâm tới các yếu tố khác như mức độ va chạm, đâm đụng và tuổi đời của chiếc xe, tình trạng hoạt động và chất lượng của xe. Tất cả các yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới giá của xe ô tô cũ. Thông thường sau 3 tới 5 năm, chất lượng bề mặt sơn có thể giảm đi về độ bóng và màu sắc do tác động của thời tiết và quá trình bảo dưỡng của chủ xe.

Để đảm bảo an toàn và chắc chắn về tình trạng của xe, việc dẫn theo một chuyên gia về xe khi mua xe cũ là một quyết định thông minh. Các dịch vụ kiểm tra chuyên nghiệp cũng có sẵn để đảm bảo sự minh bạch và hài lòng cho cả người mua và người bán.

Phần lớn lớp vỏ của các mẫu xe ô tô hiện đại đều làm bằng thép thậm chí các bộ phận như khung gầm xe, bệ máy, dầm cửa,... cũng được làm bằng vật liệu này do đó các phần trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12705:2021 - ISO 12944:2017 Sơn và Vecni - Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ cũng có thể áp dụng với sơn vỏ ô tô.

Theo TCVN 12705-4:2021 - ISO 12944-4:2017 Sơn và vecni - Bảo vệ chống ăn mòn kết cấu thép bằng các hệ sơn bảo vệ - Phần 4: Các loại bề mặt và chuẩn bị bề mặt cũng có nêu rõ tác dụng của lớp sơn phủ:

Thép không được bảo vệ trong khí quyển, trong nước, và trong đất đều có thể bị ăn mòn dẫn đến bị hư hỏng. Do đó, để tránh tình trạng hư hỏng do ăn mòn, kết cấu thép thường được bảo vệ để kháng được ứng suất ăn mòn mà kết cấu sẽ phải chịu trong quá trình khai thác.

Có nhiều cách bảo vệ kết cấu khỏi bị ăn mòn. TCVN 12705 (ISO 12944 - tất cả các phần) giải quyết việc bảo vệ hệ sơn và lớp phủ, trong các phần khác nhau, tất cả các đặc điểm quan trọng trong việc bảo vệ chống ăn mòn. Các phương thức bảo vệ chống ăn mòn khác cũng có thể được sử dụng nhưng cần phải được các bên liên quan đồng ý.

Để đảm bảo việc bảo vệ chống ăn mòn của kết cấu thép, thì người sở hữu kết cấu, người lên kế hoạch, người cố vấn, các công ty thực hiện việc bảo vệ chống ăn mòn, các nhà kiểm định lớp phủ bảo vệ, các nhà sản xuất vật liệu phủ cần có ít nhất những thông tin mới nhất về cách bảo vệ chống ăn mòn chính xác bằng hệ sơn. Những thông tin như vậy cần phải được hoàn thiện tốt nhất có thể, rõ ràng, dễ hiểu để tránh những khó khăn và những hiểu sai giữa các bên liên quan đến việc thực thi việc bảo vệ chống ăn mòn thực tế.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/8-cach-nhan-biet-ngoai-that-o-to-da-bi-son-lai-khi-mua-xe-cu-2243587.html)